Phù chân khi đứng lâu có phải bệnh suy giãn tĩnh mạch?
Phù chân khi đứng lâu là tình trạng thường gặp ở nhiều người. Tuy nhiên mọi người hay lơ là chủ quan và bỏ qua dấu hiệu nhỏ này. Vậy phù chân có phải là dấu hiệu của bệnh suy giãn tĩnh mạch không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Phù chân khi đứng lâu có phải bệnh suy giãn tĩnh mạch không?
Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng tĩnh mạch bị giãn nở, sưng phồng, có thể nhìn thấy qua da, kèm theo các triệu chứng như tức nặng, đau nhức, sưng phù, tê bì, chuột rút,…Bệnh suy giãn tĩnh mạch thường xuất hiện nhiều ở chân (suy giãn tĩnh mạch chân), đôi khi ở vùng chậu (giãn tĩnh mạch vùng chậu) và các khu vực khác trên cơ thể.
Và tình trạng phù chân khi đứng lâu là một trong những dấu hiệu phổ biến ở người bị suy giãn tĩnh mạch chân. Sưng phù sẽ xuất hiện khi bạn đứng lâu hoặc ngồi lâu một chỗ và sẽ mất đi khi nghỉ ngơi.
Phù chân sẽ xuất hiện dày đặc và nặng hơn nếu bệnh suy giãn tĩnh mạch chân không điều trị sớm. Lúc đó không chỉ mọi sinh hoạt bị ảnh hưởng mà việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.
Phù chân – Biểu hiện của nhiều căn bệnh khác
Phù chân khi đứng lâu là một trong những triệu chứng báo hiệu bạn bị suy giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên phù chân còn do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra:
Mang thai
Phù chân là hiện tượng sinh lý bình thường ở phụ nữ mang thai, nguyên nhân là do trọng lượng thai nhi ngày càng tăng, chiếm thể tích càng lớn trong khoang bụng người mẹ, tạo sức ép lớn lên tĩnh mạch dưới khiến máu khó lưu thông và gây phù nề. Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, nhưng nhiều nhất vẫn là 3 tháng cuối thai kỳ.
Uống rượu
Uống rượu có thể dẫn đến sưng bàn chân vì cơ thể giữ lại nhiều nước hơn sau khi uống. Thông thường sưng phù sẽ tự hết trong vài ngày. Tuy nhiên nếu bàn chân của bạn bị sưng phù thường xuyên khi uống rượu, đó có thể là dấu hiệu bất thường liên quan đến gan, tim hoặc thận.
Thời tiết nóng bức
Sưng chân có thể xảy ra khi thời tiết nóng bức, nguyên nhân vì các tĩnh mạch sẽ giãn nở như một quá trình làm mát tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, đối với người bị suy giãn tĩnh mạch, điều này sẽ khiến việc lưu thông máu từ chân về tim khó khăn hơn. Vì vậy người bệnh có thể ngâm chân vào nước mát, uống nhiều nước để làm giảm sưng phù chân.
Phù bạch huyết
Phù bạch huyết xảy ra do các hạch bạch huyết bị tổn thương hoặc bị cắt bỏ, thường do điều trị ung thư. Điều này khiến cơ thể bạn giữ lại dịch bạch huyết và có thể khiến bàn chân bị sưng. Có thể kèm theo các triệu chứng khác nhức mỏi, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, xơ hóa da (da dày lên).
Tổn thương
Các chấn thương ở chân như gãy xương, căng cơ và bong gân có thể khiến bàn chân bị sưng. Khi bị thương ở chân, hiện tượng sưng tấy xảy ra do máu dồn đến vùng bị ảnh hưởng.
Bệnh thận
Nếu bạn bị bệnh thận hoặc nếu thận không hoạt động bình thường sẽ khiến cơ thể bị giữ nước, có thể dẫn đến sưng phù ở bàn chân và mắt cá chân. Các triệu chứng sau cũng có thể xuất hiện: Khó tập trung, kém ăn, cảm thấy mệt mỏi, khó ngủ, co giật cơ và chuột rút, buồn nôn và ói mửa, khó thở,…
Bệnh gan
Bệnh gan có thể gây phù chân do gan không hoạt động bình thường. Ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác bao gồm: da và mắt hơi vàng, đau và sưng bụng, ngứa da, buồn nôn hoặc nôn mửa, kém ăn,…
Nhiễm trùng
Bàn chân bị sưng có thể do nhiễm trùng và các chứng viêm kèm theo. Nhiễm trùng có thể do bị thương như bỏng, côn trùng cắn,…Bạn cũng có thể bị đau, mẩn đỏ và kích ứng.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như sưng phù, chóng mặt, buồn nôn,…
Suy tim
Suy tim có thể gây ra sưng bàn chân vì khả lưu thông máu về tim bị giảm sút, dẫn đến máu ứ đọng tại các tĩnh mạch gây ra phù nề. Nếu mắt cá chân của bạn sưng lên vào buổi tối, đó có thể là dấu hiệu của bệnh suy tim bên phải. Ngoài ra suy tim sẽ kèm theo các triệu chứng như: Khó chịu khi nằm thẳng, khó thở đột ngột, ho ra chất nhầy có bọt và màu hồng, đau ngực, áp lực hoặc căng tức, buồn nôn,…
Bạn hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám ngay khi xuất hiện dấu hiệu phù chân cùng các biểu hiện khác. Thăm khám kịp thời sẽ đảm bảo việc điều trị hiệu quả và dễ dàng hơn.
Người viết: Mỹ Trinh
Hỗ trợ chuyên môn: DS. Của Trần